Tìm

Phòng khám bệnh đa khoa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên hệ:

161B - Nguyễn Phong Sắc - Phường Hưng Dũng - Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại:

 +84-383 848 852 - Fax: +84-383 842 163

Trưởng phòng:

NGUT.PGS.TS. Cao Trường Sinh

Phó phòng:

ThS. Lê Thị Thanh Huyền

Điều 1: Phòng khám đa khoa thuộc trường Đại học y khoa Vinh, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch trong phạm vi hoạt động được giao.

Điều 2: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

  1. Vị trí: Phòng khám bệnh đa khoa trực thuộc trường Đại học y khoa Vinh, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Hiệu trưởng, chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn của Sở Y tế.

  2. Chức năng

  • Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành và giao tiếp cho cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên.     

  • Nghiên cứu khoa học, ứng dụng triển khai kỹ thuật y học mới

  • Khám chữa bệnh cho nhân dân khi có yêu cầu hoặc được giao nhiệm vụ

      3. Nhiệm vụ

  • Tổ chức khám, cấp cứu chữa bệnh cho nhân dân theo đúng quy định của Pháp luật và của Bộ Y tế.

  • Khám sức khỏe cho các cơ quan, cá nhân đơn vị có nhu cầu.

  • Tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập lâm sàng, rèn luyện tay nghề.

  • Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học mới.

  • Quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị của phòng khám.

  • Quản lý cán bộ giảng dạy, cán bộ viên chức tham gia làm việc tại phòng khám.

  • Thực hiện đúng quy chế chuyên môn của Bộ y tế và pháp luật của Nhà nước.

  • Tổ chức hoạt động dịch vụ theo đúng quy định.

  • Tham gia phòng chống bệnh khi được điều động.

       4. Quyền hạn

  • Phòng khám có quyền quyết định các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về các hoạt động của mình; chịu trách nhiệm trước ngành Y tế, trước Nhà nước về hoạt động chuyên môn.

  • Phòng khám có quyền hợp đồng, tuyển dụng cán bộ làm việc theo nhu cầu hoạt động sau khi được Hiệu trưởng chấp nhận.

Điều 3. Tên và địa chỉ giao dịch

  1. Tên phòng khám

  • Tên tiếng Việt: Phòng khám bệnh đa khoa

  • Tên tiếng Anh: Polyclinic - Vinh Medical University

  1. Địa chỉ giao dịch: 161B - Nguyễn Phong Sắc - Phường Hưng Dũng - Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An

  1. Điện thoại: +84-383 848 852 - Fax: +84-383 842 163 

Điều 4: Nhiệm vụ

  1. Tổ chức khám, cấp cứu chữa bệnh cho nhân dân theo quy định của pháp luật và của Bộ Y tế.

  2. Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học.

  3. Tổ chức cho học sinh, sinh viên học tập lâm sàng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

  4. Thực hiện các hoạt động chuyên môn theo qui chế chuyên môn của Bộ Y tế và pháp luật của Nhà nước.

  5. Khám sức khoẻ cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu.

  6. Quản lý cán bộ giảng dạy, cán bộ công chức tham gia làm việc tại phòng khám.

  7. Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng khám.

  8. Tổ chức hoạt động dịch vụ theo đúng qui định

  9. Tham gia phòng chống dịch bệnh khi được điều động

Điều 5: Quyền hạn 

  • Phòng khám được triển khai các hoạt động chuyên môn theo phân tuyến kỹ thuật của Sở Y tế, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về các hoạt động của phòng khám và chịu sự quản lý nhà nước của Sở Y tế về hoạt động chuyên môn.

  • Phòng khám có quyền hợp đồng, tuyển dụng nhân viên làm việc theo nhu cầu hoạt động sau khi được Hiệu trưởng chấp nhận.

Điều 6: Cơ cấu tổ chức bộ máy

6.1. Lãnh đạo phòng: Gồm: Trưởng phòng và 1- 2 Phó Trưởng phòng 
6.1.1. Nhiệm vụ của Trưởng phòng:

  1. Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của phòng khám theo từng tháng, quý, năm trình Hiệu trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện.

  2. Xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý, phù hợp với khả năng hoạt động và trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý của phòng khám.

  3. Quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân của mọi thành viên trong phòng khám.

  4. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy phòng khám, quy chế công tác, quy chế chuyên môn của các chuyên khoa, bộ phận. 

  5. Quản lý chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế

  6.  

    Quản lý nhân lực làm việc tại phòng khám

  7. Bố trí và quản lý học sinh, sinh viên  theo kế hoạch của nhà trường

  8. Quản lý tài sản, tài chính của phòng khám

6.1.2. Nhiệm vụ của Phó Trưởng phòng

  1. Giúp Trưởng phòng trong công tác điều hành, hoạt động chung của Phòng khám

  2. Thực hiện nhiệm vụ củaPhòng khi được Trưởng phòng uỷ nhiệm hoặc đi vắng.

6.2.  Bộ phận quản lý nghiệp vụ- hành chính: 
6.2.1. Kế hoạch tổng hợp 
6.2.2. Điều dưỡng trưởng
6.2.3. Bộ phận hành chính  đón tiếp  
6.2.4. Tài chính- Kế toán

6.3. Bộ phận chuyên môn
6.3.1. Các khoa lâm sàng

  1. Thường trực cấp cứu: có 5 -10 giường lưu và theo dõi. 

  2. Phòng khám và điều trị Nội tổng hợp 

  3. Phòng khám và điều trị Ngoại- Chấn thương 

  4. Phòng khám và điều trị Sản phụ khoa- kế hoạch hoá gia đình 

  5. Phòng khám và điều trị Nhi khoa

  6. Phòng khám và điều trị Tai- Mũi- Họng

  7. Phòng khám và điều trị Răng- Hàm - Mặt

  8. Phòng khám và điều trị Mắt

  9. Phòng khám và điều trị Đông y

  10. Phòng thủ thuật

  11. Phòng hấp sấy tiệt trùng

6.3.2. Cận lâm sàng

  1. Chẩn đoán hình ảnh: Gồm:  X quang, Siêu âm, Nội soi

  2. Thăm dò chức năng: điện tim, điện não, lưu huyết não đồ, Holter huyết áp, điện tim....

  3. Xét nghiệm: Huyết học, Sinh hoá, Vi sinh-Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh- Tế bào

6.3.3. Bộ phận Dược và Trang thiết bị

6.4. Hội đồng khoa học
6.4.1. Chức năng, nhiệm vụ: Hội đồng khoa học của phòng khám là tổ chức tư vấn cho Trưởng phòng về các vấn đề:

  • Xây dựng định hướng về công tác nghiên cứu khoa học

  • Kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật của phòng khám

  • Kế hoạch đào tạo cán bộ

  • Kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị thuốc men và cơ sở hạ tầng của phòng khám

  • Giám định kỹ thuật về khám chữa bệnh, thẩm định các đề tài nghiên cứu

  • Các vấn đề khác mà Trưởng phòng quan tâm, yêu cầu

6.4.2. Thành phần Hội đồng

  • Chủ tịch Hội đồng: Là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có phẩm chất đạo đức tốt do Trưởng phòng quyết định

  • Các uỷ viên: Bao gồm những cán bộ có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực chuyên khoa do Trưởng phòng khám lựa chọn và quyết định.

  • Uỷ viên Thường trực kiêm Thư ký hội đồng: Là người phụ trách Kế hoạch tổng hợp

6.4.3. Chế độ làm việc của Hội đồng:

  1. Họp định kỳ: Mỗi năm họp 4 kỳ do Chủ tịch Hội đồng triệu tập sau khi Trưởng phòng đồng ý.

  2. Họp bất thường do Trưởng phòng yêu cầu, Chủ tịch Hội đồng triệu tập

  3. Nội dung họp:

  • Trưởng phòng trình bày trước Hội đồng những nội dung cần tư vấn đã nêu ở phần 6. 4.1 hoặc những vấn đề cần trao đổi.

  • Hội đồng tham luận phân tích và đề xuất ý kiến để Trưởng phòng xem xét quyết định.(các phiên họp Hội đồng đều có biên bản kèm theo)

6.5. Tổ chức Đảng: Phòng khám có chi bộ Đảng và sinh hoạt Đảng theo quy định

6.6. Các tổ chức đoàn thể xã hội: Phòng khám có tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh...
(Các chức danh Trưởng, Phó Trưởng phòng, Kế hoạch tổng hợp, Điều dưỡng trưởng, phụ trách Tài chính- Kế toán, do Hiệu trưởng quyết định và làm việc theo chế độ thủ trưởng).

Điều 7. Phạm vi hoạt động chuyên môn

Khám, chữa bệnh ngoại trú, xử trí cấp cứu thuộc các chuyên khoa theo quy định phân tuyến kỹ thuật của Sở Y tế và Bộ Y tế.

7.1. Các khoa lâm sàng

  1. Thường trực cấp cứu: Có 5-10 giường lưu và theo dõi

  2. Khám và Điều trị Nội tổng hợp

  3. Khám và điều trị Ngoại- Chấn thương:

  4. Khám và điều trị Nhi khoa

  5. Khám và điều trị Sản phụ khoa

  6. Khám và điều trị Tai - Mũi - Họng

  7. Khám và điều trị Mắt 

  8. Khám và điều trị Răng - Hàm - Mặt

  9. Khám và điều trị Đông y

  10. Thực hiện các thủ thuật

  11. Hấp sấy tiệt trùng   

7.2. Cận lâm sàng

  1. Chẩn đoán hình ảnh

  2. Thăm dò chức năng

  3. Xét nghiệm

7.3. Bộ phận Dược, Vật tư, Thiết bị y tế:

  • Bộ phận Dược: Đảm bảo thuốc, cấp phát thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý an toàn cho bệnh nhân và được tổ chức nhà thuốc cung ứng thuốc cho người bệnh khi có nhu cầu.

  • Bộ phận Vật tư, Thiết bị Y tế: Mua sắm y dụng cụ, trang thiết bị khác phục vụ cho khám chữa bệnh của phòng khám.

Điều 8: Chế độ làm việc và quản lý lao động

8.1. Chế độ làm việc

  • Đội ngũ cán bộ, nhân viên phòng khám làm việc theo quy định của pháp luật và chế độ thủ trưởng dưới sự quản lý trực tiếp của Trưởng phòng, chấp hành quy định của pháp luật và quy chế chuyên môn của Bộ Y tế, các quy định, quy chế làm việc của Phòng khám, của Nhà trường. 

  • Phòng khám hoạt động trong và ngoài giờ hành chính. Có phân công các kíp trực để khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và bảo vệ tài sản theo 4 vị trí( lãnh đạo, thường trực lâm sàng, cận lâm sàng, hành chính-bảo vệ).

  • Trưởng phòng khám phối hợp với Phòng Đào tạo và các khoa phòng điều hành nhân lực làm việc tại Phòng khám dựa trên phương châm vừa đảm bảo tiến độ dạy học vừa đảm bảo khám chữa bệnh và các công việc khác tại phòng khám. Ngoài ra tuỳ theo nhu cầu công việc có thể mời Giáo sư, chuyên gia, hợp đồng thêm nhân viên ngoài trường để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

8.2. Quản lý lao động   
8.2.1. Phân công, bố trí nhân lực làm việc tại phòng khám
8.2.1.1. Nhân lực làm việc trong giờ hành chính

  • Trưởng, Phó phòng khám, Kế hoạch tổng hợp, Điều dưỡng trưởng, bộ phận tài chính kế toán và bộ phận đón tiếp thường xuyên làm việc tại phòng khám

  • Giáo viên được phân công làm việc, trực tại phòng khám thì được tính như chế độ đi lâm sàng tại bệnh viện. 

  • Các khoa, phòng, bộ môn bố trí giáo viên, cán bộ theo từng lĩnh vực làm việc tại phòng khám theo quyết định của Hiệu trưởng. Khi Cán bộ, giáo viên tới làm việc tại phòng khám phải chấp hành sự phân công, điều hành của Trưởng phòng khám.

Cán bộ, nhân viên được bố trí  tại các vị trí  như sau:  

  • Phòng đón tiếp: Có cán bộ nhân viên tiếp đón

  • Các phòng khám: Nội, Thường trực cấp cứu, Ngoại-Chấn thương, Sản, Nhi, Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Đông y hàng ngày mỗi phòng đều có bác sỹ và điều dưỡng; 

  • Phòng xét nghiệm: Bác sỹ, Kỹ thuật viên  

  • Phòng siêu âm và thăm dò chức năng: Bác sỹ và Điều dưỡng

  • Phòng X. quang: Bác sỹ và Kỹ thuật viên 

  • Phòng cấp phát thuốc bảo hiểm y tế: Dược sỹ

Thời gian làm việc theo giờ hành chính và ngoài giờ

8.2.1.2. Chế độ trực tại phòng khám:

  • Thực hiện theo Quy chế Thường trực trong Quy chế chuyên môn của Bộ Y tế

  • Nhân lực: Tối thiểu 4 người/kíp trực: Lãnh đạo, Bác sỹ, Điều dưỡng và hành chính- bảo vệ; ngoài ra còn có sinh viên

  • Trực thường trú: Bác sỹ các chuyên khoa có thể được mời đến phòng khám để giải quyết các bệnh nhân thuộc chuyên khoa của mình khi cần thiết. 

8.3. Chế độ tiền lương, tiền công
8.3.1. Cán bộ, nhân viên thuộc biên chế của phòng khám thì được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp (nếu có) và các chế độ khác theo quy định của nhà nước.
8.3.2. Cán bộ hợp đồng dài hạn làm việc tại phòng khám thì được hưởng tiền lương, phụ cấp(nếu có) và các chế độ khác theo quy định của nhà nước
8.3.3. Cán bộ, nhân viên, giáo viên thuộc biên chế của nhà trường khi tham gia làm việc kiêm nhiệm tại phòng khám vẫn hưởng nguyên chế độ do nhà trường trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao; ngoài ra còn được hưởng thêm tiền thù lao loại hình dịch vụ khám chữa bệnh tại phòng khám theo quy chế chi tiêu nội bộ của phòng khám trên cơ sở cân đối thu chi.
8.3.4. Các Giáo sư, chuyên gia được mời tham gia hoạt động chuyên môn tại phòng khám được chi trả theo thoả thuận.
8.3.5. Nhân viên hợp đồng theo thời vụ, theo công việc thì được chi trả tiền công theo hợp đồng thoả thuận giữa 2 bên.

Điều 9. Cán bộ, nhân viên

Tổng biên chế của phòng khám: 50 người trong đó:

  • Biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách nhà nước: 4 người 
  • Biên chế còn lại: bao gồm: cán bộ, viên chức nhà trường làm việc kiêm nhiệm, nhân viên hợp đồng thực hiện theo quy định hiện hành.

Ngoài ra tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà số lượng nhân viên có thể tăng hoặc giảm.

Điều 10. Tiêu chuẩn và nhiệm vụ

10.1. Tiêu chuẩn:

Cán bộ nhân viên làm việc tại phòng khám phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

  • Có phẩm chất đạo đức tốt. 
  • Có trình độ chuyên môn, tay nghề từ trung cấp trở lên (trừ hộ lý).
  • Có đủ sức khoẻ để làm việc và học tập

10.2. Nhiệm vụ:

  • Chấp hành đầy đủ các quy định, quy chế làm việc của phòng khám và của nhà trường

  • Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chức trách được giao theo quy chế chuyên môn bệnh viện.
  • Quản lý, hướng dẫn học sinh, sinh viên học tập lâm sàng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

Điều 11. Quyền của cán bộ, nhân viên

  • Được sử dụng các vật tư trang thiết bị của phòng khám phục vụ cho công việc
  • Được đảm bảo các quyền lợi và chế độ theo quy định của nhà nước
  • Được hưởng các chế độ khác (nếu có) theo quy định của phòng khám hoặc quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường

Điều 12: Đối tượng phục vụ của phòng khám

  • Bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu và tự nguyện.
  • Bệnh nhân bảo hiểm y tế.
  • Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khám và kiểm tra sức khoẻ.

Điều 13: Quyền lợi, nghĩa vụ của người bệnh và gia đình người bệnh

13.1. Quyền lợi

  1. Người bệnh được khám, chữa bệnh chăm sóc, làm các xét nghiệm theo bệnh lý
  2. Được sử dụng một số dịch vụ của phòng khám theo quy định.
  3. Người bệnh và gia đình được nghe thầy thuốc giải thích về tình trạng bệnh tật, hướng dẫn sử dụng thuốc, cách ăn uống sinh hoạt, nghỉ ngươi và tự bảo vệ sức khoẻ.
  4. Người bệnh và gia đình người bệnh được góp ý kiến xây dựng về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của các thành viên trong phòng khám.
  5. Gia đình người bệnh được đến thăm người bệnh tại phòng khám theo quy định của phòng khám

13.2. Nghĩa vụ

  1. Người bệnh phải thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh của thầy thuốc, hướng dẫn của nhân viên phòng khám
  2. Người bệnh có trách nhiệm thanh toán viện phí và các dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định của phòng khám.
  3. Người bệnh và gia đình người bệnh phải có trách nhiệm giữ gìn tài sản của phòng khám, khi làm mất hoặc làm hư hỏng phải bồi thường.
  4. Người bệnh và gia đình người bệnh phải giữ gìn trật tự, vệ sinh của phòng khám và tự giác chấp hành các quy định, nội quy của phòng khám và pháp luật của nhà nước.
  5. Người bệnh, gia đình người bệnh phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa người bệnh, gia đình người bệnh trong thời gian khám, chữa bệnh tại phòng khám
  6. Người bệnh và gia đình người bệnh phải  tôn trọng thầy thuốc và nhân viên y tế

Điều 14. Tài sản và vốn

Tài sản của phòng khám ban đầu bao gồm:

  1. Nhà kiên cố 1 tầng: với diện tích trên 900m2 trị giá gần 4 tỷ đồng
  2. Trang thiết bị, máy móc, tài sản của nhà trường phục vụ cho công tác giảng dạy - học tập.
  3. Trang thiết bị, máy móc, tài sản của cá nhân đóng góp theo hình thức góp vốn hoặc tài sản để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
  4. Vốn vay của cá nhân, tập thể để đầu tư, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
  5. Các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế.

Điều 15. Quản lý tài sản, tài chính

15.1. Quản lý tài sản

  • Phòng khám bệnh đa khoa có trách nhiệm quản lý, sử dụng các tài sản có hiệu quả,  đúng mục đích  theo các quy định hiện hành.
  • Mọi hành vi xâm phạm làm hư hỏng, mất mát tài sản phải đền bù và xử lý theo pháp luật.

15.2. Quản lý tài chính

  1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ, hàng năm phòng khám có nhiệm vụ lập kế hoạch tài chính  trình Hiệu trưởng phê duyệt.
  2. Phòng khám có nhiệm vụ xây dựng bảng giá viện phí trên nguyên tắc cân đối thu chi trình Hiệu trưởng báo cáo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng để thực hiện. Giá viện phí được niêm yết công khai.
  3. Quản lý tài chính đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm đúng mục đích, tổ chức thực hiện công tác kế toán theo đúng quy định hiện hành.

Điều 16: Tài chính

16.1. Nguồn thu:

  • Nguồn thu từ ngân sách cấp: Tiền lương, tiền phụ cấp (nếu có), kinh phí hoạt động thường xuyên;
  • Nguồn thu từ định mức giường bệnh;
  • Nguồn thu từ các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh: 

          + Đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế: Thực hiện theo các quyết định hiện hành của UBND tỉnh.
          + Đối với bệnh nhân tự nguyện: Thu theo giá dịch vụ trên cơ sở mặt bằng giá cả thị trường  đối với y tế tư nhân và cân đối thu chi.

  • Các nguồn thu dịch vụ hợp pháp khác

16.2. Nội dung chi

  • Chi lương, tiền công, tiền trực, làm thêm giờ và các loại phụ cấp
  • Các khoản đóng góp theo quy định: bảo hiểm xã hội, y tế
  • Các khoản thuế, phí nạp ngân sách theo quy định
  • Chi cho hoạt động chuyên môn của phòng khám
  • Chi mua sắm trang thiết bị, thuốc men, y dụng cụ và vật dụng khác
  • Chi cho thông tin liên lạc, dịch vụ công cộng của phòng khám
  • Chi điện, nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải
  • Chi cho công tác phục vụ: nhiên liệu, hội nghị, công tác phí, vật tư văn phòng 
  • Chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học-đào tạo
  • Trả lãi vốn vay, vốn góp
  • Trích khấu hao tài sản cố định (đối với những tài sản hoạt động dịch vụ)
  • Duy tu bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị
  • Chi cho công tác quản lý
  • Các chi phí hợp pháp khác

16.3. Kết quả tài chính:
 Chênh lệch giữa tổng số thu và tổng số chi trong năm tài chính được sử dụng như sau:

  • 30% trích bổ sung kinh phí hoạt động và tăng cường cơ sở vật chất, vốn lưu động của phòng khám.
  • 10% trích cho trường bổ sung kinh phí phát triển sự nghiệp 
  • 15% lập quỹ dự phòng và phúc lợi của phòng khám
  • 15% phân phối cho các thành viên đóng góp vốn theo tỷ lệ góp vốn 
  • 30% trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ nhân viên làm việc tại phòng khám và của trường theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Điều 17: Quan hệ của phòng khám

1. Quan hệ với nội bộ trường Đại học Y khoa Vinh: 

Phòng khám có quan hệ phối hợp với các khoa, bộ môn, phòng ban trong nhà trường để điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng để hoàn thành nhiệm vụ của phòng khám và công tác đào tạo của nhà trường.

2. Quan hệ với các đơn vị khác

  • Với Sở Y tế: Chịu sự quản lý nhà nước về  chuyên môn của Sở Y tế
  • Với Bảo hiểm Xã hội: để thực hiện khám và chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế theo quy định
  • Với các Bệnh viện: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Quân Y 4 và các bệnh viện tuyến tỉnh khác là tuyến trên trực tiếp của Phòng khám để tiếp nhận những bệnh nhân quá khả năng giải quyết và giúp hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho phòng khám. 
  • Với các Trung tâm chuyên khoa, Công ty Cổ phần Dược-Vật tư Y tế và Công ty Cổ phần Vật tư Y tế:   để hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị, đào tạo cán bộ.
  • Với các Bệnh viện tuyến Trung ương: trong việc hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và đào tạo cán bộ. 

Ngoài ra phòng khám còn quan hệ với các cơ sở khám chữa bệnh khác kể cả công lập, tư nhân trên tinh thần tương trợ giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật. Các quan hệ công tác, giao dịch của phòng khám với các cơ quan tổ chức ngoài trường thông qua tư cách pháp nhân của trường Đại học y khoa Vinh

Điều 18Thanh tra, kiểm tra

  • Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động của phòng khám.
  • Trưởng Phòng khám có trách nhiệm thực hiện chế độ thanh tra kiểm tra  hoạt động của các bộ phận thuộc quyền quản lý và chịu sự  thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền 
  • Phòng khám bệnh đa khoa thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động khám, chữa bệnh, hoạt động tài chính và các hoạt động khác của phòng khám theo quy định.

Điều 19. Khen thưởng

  • Các bộ phận và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đóng góp cho phòng khám thì được khen thưởng theo quy định hiện hành

Điều 20: Xử lý vi phạm

  • Cá nhân, đơn vị nào vi phạm các quy chế, quy định, nội quy của phòng khám đều phải bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 21: Cán bộ nhân viên phòng khám, người bệnh, gia đình người bệnh, các khoa, phòng của trường Đại học y khoa Vinh có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh bản quy chế này. Các trường hợp vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 22: Căn cứ vào Bản quy chế này Trưởng phòng khám có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và ban hành nội quy, quy định nội bộ cho từng bộ phận trong cơ cấu tổ chức của phòng khám.

Điều 23: Quy chế này có 9 chương, 23 điều.

Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung sửa đổi cho phù hợp thì Trưởng phòng khám có trách nhiệm phối hợp với Trưởng phòng Hành chính- Tổ chức của trường trình Hiệu trưởng Nhà trường xem xét quyết định.

top